Cận thị học đường - nguyên nhân và cách phòng tránh
Cận thị là loại tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh, cận thị khiến mắt nhìn xa không rõ do ánh sáng đi đến mắt hội tụ ở trước võng mạc (người bình thường ánh sáng sẽ hội tụ tại võng mạc). Khi mắc cận thị, các em học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc học tập, sinh hoạt. Một số biểu hiện thường thấy như nhìn bảng không rõ, học bài phải chép bài của bạn,…
Theo số liệu thống kê mới nhất, nước ta hiện có 5 triệu trẻ em Việt Nam mắc phải các tật khúc xạ ở mắt. Toàn bộ cả nước có khoảng 15-40% người mắc phải tật khúc xạ. Đối tượng phổ biến nhất mắc phải cận thị là trẻ em từ 6-15 với tỷ lệ 20-40% ở khu vực thành thị và 10-15% ở khu vực nông thôn. Như vậy, hiện nay nước ta có khoảng 14-36 triệu người đang gặp phải tật khúc xạ ở mắt và cần được điều chỉnh kính. Hơn thế, tình trạng cận thị hiện nay đang có dấu hiệu tăng dần theo từng năm, điều này gây nên tình trạng báo động. Việc giảm tỷ lệ cận thị học đường và có những biện pháp để phòng, tránh cận thị học đường cho trẻ là điều cần quan tâm nhất.
Nguyên nhân gây ra cận thị
Cận thị xảy ra khi trục nhãn cầu dài hơn hoặc giác mạc/ thể thủy tinh cong vồng hơn bình thường.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cận thị học đường là di truyền và lối sống.
- Di truyền: Một số nghiên cứu đã chứng minh có khoảng 24 gen liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển cận thị.
- Lối sống: ảnh hưởng của lối sống như lạm dụng công nghệ, áp lực học hành, tư thế ngồi học,… cũng ảnh hưởng rất lớn đến mắt, gây ra tình trạng cận thị ở trẻ.
Biểu hiện của trẻ khi mắc cận thị
Trẻ em ở lứa tuổi nhỏ thường không hiểu rõ cận thị là gì nên không nói với bố mẹ, đến khi đi khám mắt thì phát hiện trẻ đã cận nặng. Một số trẻ lại có tâm lý sợ hãi nếu bố mẹ biết mình mắc cận thị nên giấu bố mẹ. Vì thế, các bậc cha mẹ cần chú ý, quan tâm đến các biểu hiện của con cái để kịp thời phát hiện cận thị.
Nếu con bạn có những biểu hiện sau hãy đưa trẻ đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mắt để khám và điều trị thích hợp:
- Nheo mắt hay nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa;
- Hay tiến lại gần khi xem tivi hoặc bảng;
- Đọc sách hay cúi mặt;
- Khi viết, nhiều chữ viết sai, thiếu hoặc phải chép bài của bạn;
- Chớp mắt, dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ;
- Thấy mỏi mắt, nhức mắt, đau đầu khi học bài, đọc sách.
Hậu quả của cận thị
Bệnh cận thị có ảnh hưởng nhiều mặt như: các em học sinh còn rất bé đã phải đeo cặp kính rất to, nặng. Hạn chế kết quả học tập vì do nhìn mờ chữ, viết chậm hơn so với các bạn cùng lớp, nhanh mỏi mắt. Hạn chế tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế vui chơi sinh hoạt một số lĩnh vực. Nếu không được đeo kinh chỉnh mắt thì độ cận ngày càng tăng nhiều, có thể dẫn đến biến chứng thoái hóa sắc tố võng mặc, bong võng mạc gây mù lòa.
Cách phòng tránh bệnh Cận thị
Bệnh cận thị hoàn toàn có thể phòng được nếu có sự phối hợp tích cực giữa học sinh, gia đình và nhà trường. Sau đây là một số chỉ dẫn cần được tuân thủ trong sinh hoạt và học tập:
- Không nằm, quỳ để đọc sách hoặc viết bài.
- Không đọc sách báo, tài liệu khi đang đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay.
- Khi xem ti vi, video phải ngồi cách xa màn hình tối thiểu 2,5 m, nơi ánh sáng phòng phù hợp. Thời gian xem cần ngắt quãng, không quá 45-60 phút mỗi lần xem.
- Không tự ý dùng kính đeo mắt không đúng tiêu chuẩn. Khi đeo kính cần tuân thủ hướng dẫn của nhà chuyên môn.
- Thường xuyên tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Điều này không chỉ tốt cho mắt mà còn tăng sức đề kháng ở trẻ.
- Đi khám mắt định kỳ để kịp thời phát hiện tật khúc xạ ở trẻ.
- Khi đi ra ngoài nên che chắn cho mắt để hạn chế ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mắt.
- Ăn nhiều thực phẩm tốt cho mắt. Thường xuyên bổ sung các vi chất như vitamin A, C, E, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá. Giúp tăng cường sức khỏe mắt, phòng tránh các bệnh về mắt./.
Sưu tầm: Hồng Hoa (Tổng hợp)