Văn hóa giao tiếp ứng xử trong công sở

VĂN HÓA GIAO TIẾP ỨNG XỬ TRONG CÔNG SỞ

Chủ đề về giao tiếp ứng xử luôn là một chủ đề hay và thu hút nhiều người, và dĩ nhiên trong xã hội hiện đại như ngày nay việc trao đổi, giao tiếp với nhau được thể hiện qua khá nhiều kênh, trong đó kênh giao tiếp, ứng xử nơi công sở luôn là một chủ đề nóng nhận được nhiều quan tâm nhất.

Với sự bùng nổ cao của công nghiệp hóa thì việc cạnh tranh nhau trong công việc là rất lớn, từ đó Văn hóa giao tiếp ứng xử trong công sở nghiễm nhiên trở thành một yếu tố cần để các nhà tuyển dụng đánh giá người lao động của mình.

Trong quá trình xử lý công việc cũng như tạo mối quan hệ cần thiết thì cần rất nhiều kỹ năng, trong đó kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng nói chuyện với đồng nghiệp nằm trong top những yếu tố ưu tiên hàng đầu.

Giao tiếp ứng xử nơi công sở, nghe qua thì có hơi trang trọng, trịnh thượng, nhưng thực ra nó cũng chỉ là một loại giao tiếp thông thường hằng ngày mà thôi, chỉ cần đảm bảo một số yếu tố sau thì chúng ta sẽ là những nhân viên văn phòng hiện đại, thông minh và lịch sự:

1. Cần phải biết tôn trọng đồng nghiệp:

Dù bạn là sếp, lãnh đạo cấp cao, một trưởng phòng, một chuyên viên hay chỉ là một nhân viên thì khi đã cùng nhau làm việc trong một môi trường, một tổ chức thì chúng ta  đã gọi nhau là đồng nghiệp. Sự tôn trọng khiến cho tất cả các mối quan hệ sẽ trở nên hài hòa, nhẹ nhàng, lành mạnh và hơn hết là tạo không khí thỏa mái, hiệu suất công việc được nâng cao.

Voltaire- Đại văn hào, tác giả, bình luận gia, nhà thần luận và triết gia người Pháp từng nói:  “Lao động làm ta khuây khỏa được nỗi buồn, tiết kiệm được thời gian, chữa khỏi được bệnh lười biếng” Một câu nói rất hay, tuy nhiên nếu chúng ta được thỏa sức sáng tạo, thỏa sức lao động giữa một môi trường chuyên nghiệp, những người đồng nghệp vui vẻ, nhiệt tình, lịch thiệp thì khả năng thành công của chúng ta sẽ rất lớn.

2. Học cách ứng xử với cấp trên:

Đã làm việc thì rõ ràng sẽ có cấp trên, cấp dưới, sẽ có người trên quyền bạn nhưng cũng sẽ có những nhân viên làm việc dưới quyền bạn. Trong quá trình làm việc thì không tránh khỏi những mâu thuẫn, có những mâu thuẫn không đến từ công việc, những lúc như thế này đòi hỏi bạn phải bình tĩnh, cẩn trọng trong mọi lời nói và việc làm, đảm bảo giảm thiểu tối đã những bất đồng cũng như những hiểu lầm không cần thiết.

Bản thân chúng ta phải đảm bảo hoàn thành mọi công việc mà cấp trên giao phó trong phạm khả năng của bản thân mình, nếu có khó khăn hãy cùng nhau bàn bạc, thảo luận trên tinh thần cùng hướng về một phía, cùng hợp tác và phát triển.

3. Xây dựng quan hệ với cấp dưới:

Người quản lý tốt là người hiểu được nhân viên của mình đang ở vị trí nào, nhìn thấy được thế mạnh của họ,  luôn hỗ trợ hết mình và tạo cảm hứng cho nhân viên mình làm việc.

Ibert Einstein đã nói: Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời (con cá đó) sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”.

Tuy nhiên, đi đôi với những ưu ái đó thì người quản lý cũng cần phải có những chế tài xử lý nghiêm cho những vi phạm trong phạm vi quản lý của mình.

4. Hạn chế tán gẫu:

Không ai cấm bạn giao tiếp, hòa nhập với môi trường đồng nghiệp mới, những lúc mệt mỏi, căng thẳng trong công việc thì việc  gặp gỡ, nói chuyện một vài phút với đồng nghiệp sẽ là liều thuốc giảm stress hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng nó để trở thành các “ Anh tám” “ Chị tám” nơi công sở, điều này vô tình sẽ khiến bạn trở thành “ loa phường công sở” bất cứ lúc nào mà bạn không hề nhận ra.

Chúng ta có quyền từ chối khi sắp có nguy cơ bị cuốn vào những câu chuyện ngoài lề bởi vì nhiệm vụ chính của chúng ta là đến đây để làm việc.

Tạo hóa vốn rất công bằng, sinh ra mỗi con người ai cũng có hai tay, hai chân, hai tai, hai mắt nhưng lại chỉ một cái miệng, đơn giản người muốn chúng ta hãy làm nhiều, đi nhiều, nghe nhiều, nhìn nhiều nhưng nói thì hạn chế vì những thanh âm thốt ra là những gì quý giá, hãy nên nói những gì đáng nói.

Vậy đấy, gọi là văn hóa ứng xử nơi công sở nghe ra thật sự trịnh thượng quá, chung quy cũng chỉ là những giao tiếp hết sức quen thuộc hằng ngày, chúng ta cứ mãi theo đuổi những hình mẫu lý tưởng để làm gì, hình mẫu mà chúng ta cần đó chính là sự hoàn thiện bản thân mỗi ngày, làm tốt công việc mình yêu thích, đong đầy yêu thương với những người mình yêu quý, đó gọi là hạnh phúc.

Trân trọng gửi đến những đồng nghiệp yêu thương của tôi!

 

 

 


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!