Tọa đàm trực tuyến: Đổi mới tuyển sinh đại học 2019 ra sao?

Tọa đàm trực tuyến: Đổi mới tuyển sinh đại học 2019 ra sao?

Đây là buổi mở màn cho chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ chương trình Tư vấn mùa thi 2019 - một trong những hoạt động lớn của T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Bộ GD-ĐT và Báo Thanh Niên tổ chức hơn 20 năm qua.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định đến năm 2020 khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai. Nhưng từ năm 2019, kỳ thi này có thể sẽ điều chỉnh đề thi về mặt kỹ thuật theo hướng bám sát yêu cầu mục tiêu xét tốt nghiệp THPT.

Trước những thay đổi này, các trường ĐH đang từng bước chuẩn bị để có những đổi mới tuyển sinh theo hướng tăng cường tự chủ. Hầu hết các trường đều đã chọn cách áp dụng đồng thời nhiều phương thức khác nhau, một số đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển người học theo cách riêng của mình.

Khách mời tham dự gồm: bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT; PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Đại diện các trường ĐH ở TP.HCM : TS Lê Lâm, Chủ tịch Hệ thống giáo dục Đại Việt cùng các thầy cô là hiệu trưởng các trường ĐH tại tp HCM và cả nước.

Mở đầu chương trình, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, thông tin: Thay mặt Bộ GD-ĐT, cảm ơn Báo Thanh Niên đã tổ chức tọa đàm này, nơi sẽ mang đến thông tin giúp thí sinh yên tâm hơn trong kỳ thi và xét tuyển vào các trường thời gian tới.

Chúng ta biết rằng luật Giáo dục ĐH năm 2012, quy định các trường được tự chủ trong tổ chức tuyển sinh. Những năm gần đây các trường thực hiện đúng quy định này.

Năm 2017, Bộ có thông báo với các trường, cơ bản kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh giữ ổn đỉnh đến năm 2020. Đến 2021 có thể có thay đổi phù hợp với thực hiện chương trình SGK mới.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Phương án tuyển sinh 2019 cơ bản giữ ổn định như 2 năm qua

Việc đổi mới tuyển sinh những năm gần đây chủ yếu chỉ về mặt kỹ thuật giúp các trường và thí sinh chủ động hơn trong việc này. Ví dụ năm vừa rồi chỉ có đổi mới trong tuyển sinh các ngành sư phạm, những năm tiếp theo cũng sẽ thực hiện đúng quy định.

Phương án tuyển sinh 2019 cơ bản giữ ổn định như 2 năm qua, những thay đổi nếu có chỉ thay đổi nhỏ không làm thay đổi quy trình tuyển sinh với xã hội. Nếu theo dõi luật sửa đổi bổ sung luật Giáo dục ĐH, các ngành sức khoẻ có điểm sàn để đảm bảo đầu vào cho khối ngành quan trọng này. Các trường được tự chủ lựa chọn phương thức tuyển sinh, qua các năm các trường đã sử dụng các phương thức tuyển sinh một cách hiệu quả hơn.

Trong tuần này và đầu tuần sau Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức 3 cuộc tọa đàm tại Thái Nguyên, Đà Nẵng, Cần Thơ để xem xét quá trình tuyển sinh năm vừa qua cần thay đổi gì không và khắc phục những lỗi kỹ thuật nếu phát sinh trong những năm qua

 

TS Lê Lâm, Chủ tịch hệ thống giáo dục Đại Việt: Trường ĐH Đại Việt dự kiến năm 2019 sẽ tuyển sinh ĐH. Trường sẽ tiếp cận những hình thức tuyển sinh của các trường ĐH lớn và theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ở góc độ quản lý, chúng ta mong muốn sự ổn định, nhưng góc độ người học, thì đổi mới sao cho mới và phải thuận lợi hơn cho người học.

TS Lê Lâm: Đổi mới sao cho mới và phải thuận lợi hơn cho người học

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Sau năm 2021, theo dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, để tốt nghiệp THPT vẫn cần một quá trình và kỳ thi. Còn về phương thức tuyển sinh, có nhiều phương thức nhưng cần xem xét mỗi phương thức đáp ứng mục tiêu nhất định, có ưu và nhược điểm nên cần có sự xem xét, lựa chọn phù hợp. Từ điểm thi THPT quốc gia, chúng ta đặt chất lượng trên mặt bằng chung nhưng vẫn có nhược điểm như học tài thi phận… Theo quan sát của tôi, nhiều trường xét học bạ nhưng có phân khúc khác nhau, như xét học sinh giỏi từ các trường chuyên nhưng cũng có trường chỉ lấy từ 6,0 trở lên ở từng môn xét tuyển. Học sinh, trường ĐH và thị trường lao động cũng có những phân khúc khác nhau. Tùy trường chúng ta lựa chọn phân khúc khác nhau. Ngay cùng một ngành, điểm ở các trường khác nhau, nhưng không có gì đáng lo lắng vì thế giới cũng vậy. Sản phẩm của phổ thông mà không được trường ĐH tin cậy thì chúng ta cũng phải ngồi lại với nhau.

Chúng tôi cũng mong muốn sẽ có những nghiên cứu về xét tuyển bằng học bạ, từ xét tuyển bằng kỳ thi riêng… Nghiên cứu này không chỉ đầu vào mà còn kết quả tìm được việc làm khi ra trường. Nếu nghiên cứu được công bố, xã hội sẽ có những đánh giá nhìn nhận đúng đắn.

Chúng tôi cũng thấy rằng thí sinh tốt nghiệp phổ thông có vẻ chưa độc lập tự quyết định cuộc đời, vì vậy mong muốn thầy cô dạy cho học sinh khả năng khai thác và sử dụng thông tin nhiều hơn. Còn về hướng nghiệp, tôi thấy chủ yếu là quá trình tư vấn chủ yếu là quảng bá trường học mà chưa chú trọng vào việc giúp người học khám phá bản thân để lựa chọn ngành học phù hợp...

Nguồn : Báo Thanh Niên

 


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!