LÀM VIỆC NHÓM - KỸ NĂNG KHÔNG THỂ THIẾU CỦA SINH VIÊN
Làm việc theo nhóm là một hoạt động không còn xa lạ với học sinh, sinh viên hiện nay. Đặc biệt khi lên các bậc học từ THPT trở lên, hình thức làm việc theo nhóm càng phổ biến hơn với những bài thảo luận, thuyết trình. Kỹ năng làm việc nhóm là một trong những kỹ năng thiết yếu đối với sinh viên, đặc biệt là trong môi trường học tập và công việc sau này. Việc hợp tác hiệu quả không chỉ giúp sinh viên hoàn thành các dự án nhóm mà còn xây dựng các mối quan hệ và phát triển kỹ năng cá nhân. Dưới đây là một số khía cạnh quan trọng và các bước giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả.
Sinh viên trong tiết học kỹ năng làm việc nhóm
Vai trò của kỹ năng làm việc nhóm đối với sinh viên
Cải thiện hiệu quả học tập: Làm việc nhóm giúp sinh viên tiếp thu kiến thức từ các bạn khác, đồng thời nâng cao khả năng hiểu sâu vấn đề thông qua thảo luận và chia sẻ ý tưởng.
Tăng cường khả năng sáng tạo: Nhóm có thể đưa ra nhiều góc nhìn và ý tưởng khác nhau, từ đó tạo điều kiện cho các giải pháp sáng tạo và toàn diện hơn.
Rèn luyện kỹ năng giao tiếp và thuyết phục: Sinh viên có cơ hội phát triển kỹ năng lắng nghe, truyền đạt, và thương lượng để đạt được sự đồng thuận trong nhóm.
Chuẩn bị cho môi trường làm việc chuyên nghiệp: Trong công việc sau này, làm việc nhóm là yếu tố không thể thiếu; do đó, việc trau dồi kỹ năng này ngay từ khi còn là sinh viên sẽ tạo lợi thế lớn khi bước vào thị trường lao động.
Làm thế nào để làm việc nhóm hiệu quả?
1. Hình thành nhóm
Ngoại trừ việc được thầy cô sắp đặt sẵn thành viên trong nhóm, nếu được tự do trong việc lập nhóm, hãy chọn các thành viên cùng có chí hướng thực hiện một vấn đề nào đó với nhau, những thành viên có cùng điều kiện về hoạt động (thời gian, vị trí...), các thành viên nghiêm túc trong học tập, có ý thức xây dựng nhóm...
Số lượng thành viên của mỗi nhóm trong khoảng 5 đến 8 thành viên, với số lượng này nhóm sẽ hoạt động đạt hiệu quả hơn.
Kỹ năng mềm ý nghĩa, thiết thực trong sinh viên
2. Bầu trưởng nhóm
Trưởng nhóm có vai trò rất quan trọng trong việc điều hành 1 nhóm hoạt động tốt hay không. Cũng giống như đầu tàu, người trưởng nhóm cần có tố chất lãnh đạo, có uy tín và tính nghiêm túc trong học tập. Trưởng nhóm cũng cần là người có khả năng đánh giá, tổng hợp một vấn đề, có khả năng giao tiếp tốt, tạo được mối quan hệ thân thiện với các thành viên trong nhóm.
3. Xây dựng mục tiêu chung cho nhóm
Sau khi hình thành được nhóm, nhóm cần đề ra mục tiêu chung để cùng nhau xây dựng nhóm, hướng tới mục tiêu. Chẳng hạn như hoàn thành được đề tài nghiên cứu...
4. Tổ chức - phân công công việc
Các thành viên trong nhóm đều phải được phân công công việc rõ ràng, rành mạch và có ý thức hoàn thành công việc được giao, xây dựng nhóm vì mục tiêu chung. Cùng trao đổi để phân công công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh trong nhóm, phân chia khối lượng công việc đồng đều giữa các thành viên và đảm bảo công việc được hoàn thành đúng tiến độ.
5. Chất vấn, thuyết phục, trình bày
Khi đã có 1 thời gian để hoàn thành công việc được giao, hãy mạnh dạn trình bày ý kiến, hiểu biết của bạn, chia sẻ những kiến thức bạn có để cùng nhau đưa ra phương pháp phù hợp nhất để giải quyết vấn đề.
6. Tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau
Làm việc nhóm khác với làm việc độc lập ở chỗ, tất cả các thành viên đều phải biết trợ giúp và tôn trọng lẫn nhau trong công việc. Nếu thành viên nhóm gặp khó khăn hãy sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ họ. Việc làm này sẽ tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm lại với nhau. Một nhóm đoàn kết sẽ mang lại hiệu quả công việc hơn hẳn so với những nhóm còn lại.
Khi là sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Đà Nẵng sinh viên sẽ được tiếp xúc với các môn kỹ năng mềm giúp sinh viên cải thiện kỹ năng sống để hòa nhập với doanh nghiệp nhanh hơn, chủ động hơn.