Cảnh báo: Bị lừa 300 triệu đồng vì bấm vào link chuyển tiền giả

Thủ đoạn lừa đảo này không phải là mới nhưng do nhiều người do chủ quan, không tập trung nên vẫn bị lừa.

Nạn nhân là anh N.T.A, nhà thiết kế nội thất tại TP.HCM. Sự việc bắt đầu khi anh đăng thông tin cho thuê một căn nhà tại quận 4, TP.HCM lên trang Chợ Tốt. Một người đã liên hệ với anh qua ứng dụng chat. Người này cho biết, anh ta đang ở nước ngoài và muốn thuê nhà trong vòng 1 năm để cho vợ ở. Vợ anh ta sẽ tới xem nhà. Để tạo sự tin tưởng, người này còn gửi hình căn cước công dân cho anh A xem.

Nhiều người cho rằng thẻ căn cước mà kẻ lừa đảo gửi có thể là hình đã chỉnh sửa. Ảnh: NVCC.

Sau 2 ngày liên lạc, người muốn thuê nhà cho biết sẽ chuyển tiền đặt cọc 330USD, tương đương 7,5 triệu đồng từ nước ngoài qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union. Sau đó, anh T.A nhận được tin nhắn với nội dung nhận 330USD vào tài khoản ngân hàng của mình từ một số điện thoại Việt Nam và một tin nhắn khác yêu cầu anh nhập OTP gửi vào đường link theo yêu cầu.

Người muốn thuê nhà cũng gọi điện hối thúc nên anh T.A đã sao chép mã OTP từ ứng dụng ngân hàng, dán vào trang web theo yêu cầu. Nhưng ngay khi vừa thực hiện xong anh cảm thấy có gì đó không đúng nên đã kiểm tra lại tài khoản của mình và thấy đã bị trừ mất 300 triệu đồng.

Ngay sau khi phát hiện mất tiền, anh T.A đã báo ngay cho ngân hàng và công an để điều tra sự việc. Ngay hôm đó, ngân hàng đã đóng băng tài khoản của anh T.A và chuyển lệnh tìm tài khoản thụ hưởng ngay trong đêm. Khi tìm ra người thụ hưởng, công an quận đã ra lệnh phong tỏa tài khoản đó.


Tài khoản của nạn nhân đã chuyển 300 triệu đồng cho một tài khoản ở ngân hàng khác. Ảnh: NVCC.

Thủ đoạn lừa đảo quen thuộc

Thực tế kiểu lừa đảo thông qua các đường dẫn (link) giả mạo ngân hàng, tổ chức tài chính để chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ, đã xuất hiện nhiều và từ lâu.

Cách làm chung của kẻ lừa đảo là đóng giả người Việt Nam đang ở nước ngoài đặt mua hàng với số lượng lớn và đề nghị chuyển tiền trả trước qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union. Để lấy được lòng tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo còn gửi cả ảnh căn cước hoặc chứng minh nhân dân, các thông tin đầy đủ.

Nhóm lừa đảo làm giả hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiền của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union, rồi chụp ảnh gửi cho nạn nhân để họ nghĩ là bên mua hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền. Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ gửi cho nạn nhân đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union và hướng dẫn họ đăng nhập vào đường link này.

Khi nạn nhân nhấp vào đường link sẽ được chuyển đến một trang web giả, giống website của Western Union. Khi nạn nhân thực hiện khai báo các thông tin như tên, tuổi, địa chỉ, mã số thẻ ngân hàng... trên website giả mạo để làm thủ tục rút tiền thì nhóm lừa đảo sẽ lấy thông tin của họ để chuyển tiền từ tài khoản của bị hại vào tài khoản của chúng.

Nhóm lừa đảo sẽ gửi tin nhắn yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP trên trang web giả để hoàn tất việc trộm tiền trong tài khoản. Do nhóm lừa đảo cũng thực hiện việc rút tiền vào lúc này nên ngân hàng trong nước sẽ gửi mã OTP vào điện thoại của nạn nhân. Khi nạn nhân điền mã OTP này để hoàn tất thủ tục nhận tiền trên website giả mạo thì nhóm lừa đảo cũng hoàn tất việc việc chiếm đoạt tiền của chúng.

Nguồn: Quản Trị Mạng

 


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!